Đối xử với Lưu Bị Quách Gia

Đầu năm Kiến An thứ 4 (199), Tào Tháo đánh thắng Lã Bố, ban sư hồi triều. Lưu Bị cũng theo về Hứa Đô, theo công ban thưởng, cho Bị làm Dự Châu mục.

Ngụy thư chép: Có người bảo Tào Tháo rằng:

Bị có chí anh hùng, nay không sớm trừ đi, sau tất thành họa.

Tháo hỏi Quách Gia, Gia nói:

Đúng thế. Nhưng công vung kiếm khởi nghĩa binh, vì trăm họ trừ hại, thành tâm đãi người, dựa vào tín nghĩa để chiêu vời tuấn kiệt, còn sợ là chưa đủ. Nay Bị có cái danh anh hùng, vì cùng khốn theo về với ta mà lại hại hắn, thế tất mang tiếng hại người hiền, thì kẻ trí sĩ tất sẽ tự ngờ, đổi ý chọn chủ, ai giúp công yên định thiên hạ? Ôi, dứt mối lo một người, để ngăn lòng mong ngóng của bốn bể, cái cơ an nguy, chẳng thể không xét kỹ![5]

Tào Tháo cười nói:

Ngài nói trúng ý ta rồi.

Phó tử chép: Khi Lưu Bị đến hàng, Tào Tháo dùng lễ khách đối đãi. Quách Gia nói với Tào Tháo rằng:

Bị có hùng tài mà rất được lòng người. Trương Phi, Quan Vũ đều có sức địch muôn người, sẵn lòng chết vì Bị. Gia xét thấy, Bị rốt cuộc không chịu ở dưới người, mưu tính của hắn chưa thể lường được vậy. Cổ nhân có nói "Một ngày thả địch, hậu hoạn nhiều đời". Nên sớm liệu đi[5].

Bấy giờ, Tào Tháo phụng mệnh Thiên tử để hiệu lệnh thiên hạ, đang chiêu dụ kẻ anh hùng để nêu cao đại tín, chưa theo mưu của Gia được. Đến lúc sai Bị đi đánh Viên Thuật, Quách Gia và Trình Dục đều đón xe ngựa mà can rằng:

Thả Bị đi, là sinh biến vậy[5]!

Bấy giờ Bị đã đi xa, đến Từ Châu liền giết tướng Xa Trụ của Tào Tháo, chiếm Từ Châu, cất binh làm phản. Tháo hận đã không dùng lời của Gia.

Bùi Tùng Chí khi chú giải đã cho rằng 2 cách nói trong Ngụy thư và Phó tử là trái ngược nhau, nhưng không chỉ ra cách nói nào là đúng.

Tam Quốc diễn nghĩa thiên về cách nói trong Phó tử.

Phó tử chép: Tào Tháo muốn tức tốc đi đánh Lưu Bị, kẻ nghị bàn sợ rằng khi quân đi, bị Viên Thiệu đánh úp phía sau, tiến thì không đánh được mà lui thì mất chỗ ở. Tào Tháo ngờ sợ, hỏi Quách Gia, Gia khuyên:

Thiệu vốn chậm chạp mà đa nghi, đến tất không nhanh được. Bị mới khởi sự, nhân tâm chưa phục, đánh gấp hắn tất bại. Đấy là mấu chốt của lẽ tồn vong, chẳng nên bỏ lỡ vậy[6].

Tào Tháo nghe theo, sang đông đánh Lưu Bị. Bị thua chạy sang chỗ Viên Thiệu, Thiệu quả nhiên không xuất binh.

Bùi Tùng Chi cho rằng trong Vũ đế kỷ việc quyết kế đánh Lưu Bị, liệu rằng Thiệu không xuất binh là do ở Tào Tháo chứ không phải Quách Gia[6].